XUYÊN Á
KHU CÔNG NGHIỆP CÓ DIỆN TÍCH LỚN NHẤT TỈNH LONG AN
.
Tin tức
LONG AN HỘI ĐỦ CÁC YẾU TỐ THU HÚT ĐẦU TƯ

Với lợi thế so sánh gần TP.HCM, Long An có nhiều đầu mối giao thông đường bộ lẫn đường thủy quan trọng của quốc gia đi qua, được sánh như cửa ngõ giao thương kinh tế cũng như giao lưu văn hóa giữa miền Tây và TP.HCM. Long An là một điểm đến đầu tư hấp dẫn với môi trường chính trị ổn định, môi trường đầu tư thông thoáng và môi trường xã hội lành mạnh, đang trân trọng đón chào các nhà đầu tư (NĐT).

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Nguyễn Văn Được; Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Minh Lâm, đại diện các sở, ngành tỉnh tiếp và làm việc với nhà đầu tư

Nhiều cơ hội cho nhà đầu tư

Mục tiêu của Long An là trở thành tỉnh phát triển công nghiệp và một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của khu vực phía Nam, Việt Nam. Tổng diện tích được quy hoạch để phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 15.000ha, với 59 cụm công nghiệp (CCN) và 37 khu công nghiệp (KCN) đã được phê duyệt. Hiện có 22 KCN và 22 CCN đi vào hoạt động có tổng diện tích khoảng 4.000ha. Các K,CCN của tỉnh tập trung chủ yếu tại các huyện tiếp giáp TP.HCM. Hệ thống hạ tầng K,CCN được xây dựng hoàn thiện, an toàn theo tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu đa dạng, nghiêm ngặt của NĐT. Hiện nay, các K,CCN đã thu hút hàng loạt NĐT lớn với dây chuyền sản xuất, công nghệ hiện đại và sẵn sàng chào đón doanh nghiệp (DN), NĐT mới đến với Long An.

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh thường xuyên tiếp xúc với các tập đoàn kinh tế mạnh trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế để tranh thủ cơ hội thu hút đầu tư, quan tâm thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Đồng thời, tỉnh cũng thực hiện công khai các quy hoạch, các dự án đầu tư lớn để DN, NĐT nắm bắt thông tin. Lãnh đạo tỉnh cũng duy trì tổ chức các buổi đối thoại với DN theo định kỳ, liên hệ chặt chẽ Hội, Hiệp hội DN các nước và vùng lãnh thổ để kịp thời nắm bắt và tập trung lãnh, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN để an tâm sản xuất, kinh doanh. Song song đó, tỉnh không ngừng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, góp phần giảm thời gian và chi phí vận hành của DN ngay từ lúc tiếp cận thị trường.

Điểm đến kinh doanh hiệu quả

Long An hiện đứng trong nhóm đầu cả nước về thu hút đầu tư, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển KT-XH. Bằng nhiều chính sách hỗ trợ hợp lý, kịp thời cộng với việc khai thác tốt tiềm năng, Long An trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 1.150 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 9,8 tỉ USD. Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 4 trong 36 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Long An với 130 dự án, tổng vốn đăng ký trên 480 triệu USD (đứng thứ 5 về vốn). Các dự án này tập trung chủ yếu tại địa bàn trọng điểm của tỉnh, như Đức Hòa, Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Giuộc,… thuộc ngành sản xuất ván gỗ nhân tạo và các sản phẩm từ gỗ, cơ khí – chế tạo máy, sản xuất – lắp ráp linh kiện điện tử, gia công cơ khí, chế biến nông – thủy sản, gia công hàng may mặc, bia,…

Khu công nghiệp Long Hậu thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư Nhật Bản

Đặc biệt, thời gian qua, Long An tổ chức nhiều đoàn giao lưu, học tập kinh nghiệm và xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản. Nhiều đoàn lãnh đạo chính quyền địa phương và DN Nhật Bản cũng đã đến Long An giao lưu, khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. UBND tỉnh Long An và một số tỉnh ở Nhật Bản cũng đã ký kết hợp tác song phương. Qua đó, các dự án đầu tư từ Nhật Bản vào Long An ngày càng tăng và các dự án hiện hữu của Nhật Bản tại Long An cũng không ngừng mở rộng quy mô và tăng vốn đầu tư. Điều này cho thấy môi trường đầu tư của Long An đã thật sự tạo được niềm tin đối với các DN Nhật Bản. Trong quá trình đầu tư và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, DN của Nhật Bản luôn chấp hành các cam kết về tiến độ xây dựng cũng như thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, bảo đảm môi trường làm việc và thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người lao động.

KCN Long Hậu (huyện Cần Giuộc) có vị trí liền kề TP.HCM. Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện dự án, Công ty (Cty) Cổ phần Long Hậu đã xây dựng KCN Long Hậu theo hình thức xanh, sạch, đẹp. Chính yếu tố này đã giúp KCN nhanh chóng thu hút NĐT thứ cấp, trong đó có NĐT đến từ Nhật Bản. Đến nay, KCN Long Hậu có 187 DN đầu tư, trong đó NĐT Nhật Bản là 41 DN (chiếm tỷ trọng khoảng 22%) với số vốn lên đến 1.622 tỉ đồng.

Thông tin từ Cty Cổ phần Long Hậu, thời gian qua, DN Nhật Bản tập trung đầu tư vào các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại, phức tạp: Chế tạo linh kiện, cơ khí chính xác, dược phẩm,… từ đó góp phần hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề đội ngũ lao động. Đặc biệt, các DN Nhật Bản luôn tuân thủ, thực hiện tốt quy định về quản lý hạ tầng, môi trường của KCN, chính sách, pháp luật về thuế và bảo đảm phúc lợi tốt cho người lao động. Bên cạnh đó, NĐT còn quan tâm đến sự phát triển chung của địa phương, thường xuyên đóng góp ý kiến, khuyến nghị để nâng cao chất lượng hạ tầng, môi trường đầu tư của KCN và địa phương.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty TNHH MTV Phú An Thạnh (là đơn vị đầu tư và khai thác KCN Phú An Thạnh) – Trần Văn Ngọc cho biết, hiện nay, với các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam, sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể và KCN, NĐT cảm nhận rõ rệt việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là xin cấp phép dự án và thành lập DN. Điều này tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho các DN lớn lẫn DN vừa và nhỏ đến từ nhiều quốc gia. Qua đó, giúp KCN Phú An Thạnh thu hút đầu tư tốt, nhiều "đại bàng” đã đổ vốn đầu tư tại KCN, làm ăn có hiệu quả, thậm chí NĐT còn kéo theo các DN phụ trợ.

Công nhân làm việc tại nhà máy Công ty TNHH đồ gỗ Fukui Việt Nam

Điển hình Cty TNHH Vina Eco Board là DN có vốn đầu tư đến từ Nhật Bản, có nhà máy sản xuất tại KCN Phú An Thạnh. Vina Eco Board đã xây dựng nhà máy sản xuất gỗ ép có quy mô rộng lớn, toàn bộ dây chuyền công nghệ sản xuất đều được tự động và hiện đại. Nguyên liệu chính cho nhà máy là các loại tràm, bạch đàn, gỗ cây ăn trái và gỗ phế thải. Bằng việc áp dụng công nghệ hiện đại Nhật Bản và vật liệu gỗ địa phương, Cty đã sản xuất được rất nhiều mặt hàng gỗ chất lượng thuộc nhiều dòng gỗ khác nhau. Sau khi sản xuất, một phần sản phẩm sẽ được tiêu thụ tại Việt Nam, còn lại được xuất khẩu sang nước ngoài. Ngoài sản xuất hiệu quả, Cty TNHH Vina Eco Board còn giới thiệu thêm DN cùng ngành nghề như Cty TNHH Đồ gỗ Fukui Việt Nam đầu tư sản xuất tại KCN Phú An Thạnh. DN này hiện sử dụng sản phẩm đầu ra từ Vina Eco Board làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất.

Thời gian qua, dòng vốn FDI là động lực quan trọng cho phát triển KT-XH của tỉnh, mang lại giá trị gia tăng cao. DN FDI đã tăng cường chuyển giao công nghệ cho các DN trong tỉnh thông qua việc hợp tác kinh doanh hay cạnh tranh với DN FDI. Nhằm tận dụng, phát huy tốt những lợi thế của tỉnh và định hướng trong thời gian tới, Long An tập trung mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực: Công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị vệ tinh và dịch vụ hậu cần cảng. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các NĐT đến tìm hiểu để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn, xem thắng lợi và thành công của DN, NĐT là thắng lợi và thành công của địa phương./.

Bằng nhiều chính sách hỗ trợ hợp lý, kịp thời cộng với việc khai thác tốt tiềm năng, Long An trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 1.150 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 9,8 tỉ USD. Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 4 trong 36 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Long An với 130 dự án, tổng vốn đăng ký trên 480 triệu USD (đứng thứ 5 về vốn).
Bài viết khác