XUYÊN Á
KHU CÔNG NGHIỆP CÓ DIỆN TÍCH LỚN NHẤT TỈNH LONG AN
.
Tin tức
BỨC TRANH MỚI CHO KHU CÔNG NGHIỆP VIỆT

(PLO)- Các khu công nghiệp kỳ vọng bước vào giai đoạn thay da đổi thịt khi quy định mới tại Nghị định 35 có nhiều điểm sáng.

Nhiều đổi mới trong chính sách quản lý khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) được quy định tại Nghị định (NĐ) 35/2022 vừa ban hành được các chuyên gia kỳ vọng sẽ tạo hành lang chính sách thuận lợi, giúp thu hút đầu tư vào lĩnh vực bất động sản KCN nhiều hơn nữa.

Cú hích mạnh mẽ cho khu công nghiệp

NĐ 35 có nhiều điểm sửa đổi tiến bộ so với NĐ 82/2018 trước đây về quản lý KCN, KKT. Dẫn chứng như phân loại cụ thể các loại quy hoạch xây dựng KCN gồm quy hoạch chung xây dựng KCN, quy hoạch phân khu xây dựng KCN và quy hoạch chi tiết xây dựng KCN (nếu cần).

Đặc biệt, NĐ còn cho phép các trường hợp không cần lập nhiệm vụ quy hoạch như lập quy hoạch phân khu xây dựng KCN tại khu vực đã có quy hoạch chung xây dựng hoặc quy hoạch chung xây dựng KKT đã được phê duyệt; lập quy hoạch chi tiết xây dựng KCN tại khu vực đã có quy hoạch phân khu xây dựng được phê duyệt…

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp (DN) KCN TP.HCM (HBA), quy định trên sẽ giúp tiết kiệm thời gian triển khai các dự án, giảm chi phí cho nhà đầu tư.

Vai trò của UBND cấp tỉnh, nhà đầu tư cũng được chú trọng. Trước đây, Chính phủ sẽ thực hiện việc điều chỉnh các nội dung liên quan tới quy hoạch, chủ trương… Điều này gây khó khăn cho nhà đầu tư khi triển khai dự án, vì trong quá trình thực hiện sẽ có nhiều vấn đề phát sinh mà lúc lập dự án không thể tính toán hết được.

Nghị định 35/2022 tạo hành lang pháp lý cụ thể về loại hình dự án KCN – đô thị – dịch vụ, đây là loại hình tiến bộ được nhiều quốc gia áp dụng.

NĐ 35 đã trao quyền cho địa phương nhiều hơn. Việc điều chỉnh địa điểm, quy mô diện tích quy hoạch KCN không quá 2% và không quá 6 ha so với quy mô diện tích của KCN đã được xác định trong danh mục các KCN trên địa bàn tỉnh, TP trực thuộc trung ương sẽ do UBND tỉnh quyết định; nếu không quá 10% và không quá 30 ha sẽ do UBND tỉnh quyết định sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Bộ KH&ĐT.

Ông Bé cho rằng đây là điểm mới đột phá, tạo thuận lợi rất lớn cho địa phương, các công ty kinh doanh hạ tầng vì thủ tục này thực hiện thường xuyên nhưng trước đây phải theo một quy trình phức tạp và kéo dài.

Ngoài ra, NĐ mới còn sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến đầu tư hạ tầng. Trong đó có quy định về phân kỳ đầu tư KCN, bãi bỏ thủ tục thành lập KCN, đơn giản hóa quy định về điều kiện, thủ tục đầu tư hạ tầng, thành lập KCN và mở rộng KCN… Đáng chú ý, NĐ đã phân loại rõ ràng các loại hình KCN, bao gồm KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao, KCN – đô thị – dịch vụ.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), việc phân loại này là bước khởi đầu giúp các nhà đầu tư định hướng và tạo hành lang pháp lý thuận lợi.

"Bản thân nhà đầu tư sẽ dễ dàng lựa chọn mô hình phát triển phù hợp với DN, tìm hiểu trước đối tác, trải nghiệm thực tế mô hình đang xây dựng của KCN” – ông Hưng phân tích.

Cần Nhà nước hỗ trợ
về chính sách

Tôi đánh giá cao sự đổi mới tích cực của NĐ 35, đặc biệt về vấn đề nhà ở cho công nhân. Ngoài trách nhiệm của chính quyền, cần quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư KCN trong vấn đề này. Với những KCN đã triển khai nhưng chưa có đất làm nhà ở, chính quyền địa phương nên xem xét, bố trí quỹ đất xây nhà công nhân cho chủ đầu tư KCN hoặc các DN. Trường hợp KCN lớn chưa lấp đầy hết, còn đất trống thì xem xét cho điều chỉnh quy hoạch phần đất chưa sử dụng để làm nhà ở công nhân.

Ngoài quy định bắt buộc trách nhiệm thì cần có sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước.

Ông Phạm Ngọc Hưng,

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM

Mục tiêu an cư cho công nhân

Một điểm mới thu hút sự quan tâm của người dân lẫn DN là công nhân được quan tâm về nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích tại KCN. NĐ 35 quy định khi xác định danh mục các KCN trên địa bàn tỉnh, TP trực thuộc trung ương phải đảm bảo quỹ đất để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc tối thiểu là 2% tổng diện tích của các KCN.

Một trong các điều kiện xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hạ tầng KCN là có quy hoạch xây dựng khu nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động. Ngoài ra, một trong các điều kiện xem xét mở rộng KCN là đã xây dựng, đưa vào sử dụng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho công nhân.

Theo Bộ KH&ĐT, đến cuối năm 2021 có 397 KCN được thành lập, bao gồm 352 KCN nằm ngoài các KKT, 37 KCN nằm trong các KKT ven biển, tám KCN nằm trong các KKT cửa khẩu, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 122.900 ha. Trong đó có 291 KCN đã đi vào hoạt động, tỉ lệ lấp đầy đạt 71%, xấp xỉ so với cuối năm 2020.

Trong sáu tháng đầu năm 2022, chín KCN mới được thành lập với tổng diện tích 2.472 ha, tổng vốn đầu tư các dự án đạt 29.411 tỉ đồng.

Ông Hà Văn Thiện, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Trần Anh (Long An), cho biết rất đồng tình với những quy định mới này. Theo đó, KCN cần có các tiện ích thương mại dịch vụ, nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho người lao động, chuyên gia. NĐ 35 tạo các hành lang chính sách quy định cụ thể về loại hình dự án KCN – đô thị – dịch vụ, đây là loại hình dự án tiến bộ được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.

"Hiện DN đang phát triển một KCN tại Long An có khu nhà ở cho công nhân, chuyên gia và các khu tiện ích khác. Để ổn định sản xuất, kinh doanh của DN thì công nhân phải an cư. Vì vậy, khi phát triển các KCN thì chủ đầu tư cần phải chuẩn bị sẵn nhà ở cho công nhân” – ông Thiện chia sẻ. •

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế:

Chỗ ở công nhân KCN phải có dịch vụ, tiện ích

Chính sách phát triển nhà ở tại các KCN nhằm đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ công nhân. Đồng thời, quy hoạch phát triển KCN phải gắn kết với khu đô thị có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ tiện ích, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa… Đừng để xây nhà ở cho công nhân nhưng ở khu vực heo hút, xung quanh không có gì thì cũng không có ai đến ở. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động.

TS LÊ BÁ CHÍ NHÂN, chuyên gia kinh tế:

Phát triển KCN sinh thái cần có tiêu chí chặt chẽ

NĐ 35 quy định các chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển mô hình KCN sinh thái tạo động lực để các chủ đầu tư hạ tầng và các DN KCN tiến gần đến mục tiêu xây dựng KCN sinh thái, đồng thời thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp, sản xuất sạch hơn.

Hiện nay, chính sách chưa khuyến khích KCN sinh thái. Các DN Việt Nam vẫn còn phải tính toán lợi nhuận nên rất khó vì để làm KCN sinh thái rất tốn kém. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách cụ thể, tiêu chí rõ ràng, chặt chẽ để phát triển KCN sinh thái.

DN làm KCN sinh thái cũng phải thay đổi nhận thức phát triển bền vững phải chấp nhận giảm bớt lợi nhuận. Khi gia nhập các FTA, Việt Nam phải cam kết quốc tế về môi trường, đặc biệt là cam kết tại COP26 về mục tiêu phát thải ròng bằng 0. DN làm được các KCN sinh thái sẽ thu hút nhà đầu tư, vì khi đó hàng hóa sản xuất tại đây đảm bảo các tiêu chí môi trường, vượt qua được hàng rào thuế quan. Về lâu dài, xây dựng KCN sinh thái sẽ góp phần thu hút nhà đầu tư xanh, có giá trị hàm lượng kỹ thuật cao, bắt kịp xu hướng, đem lại lợi nhuận cao.

Ông NGUYỄN VĂN BÉ, Chủ tịch Hiệp hội Các DN KCN TP.HCM (HBA):

Liên kết vùng các khu công nghiệp

Quy hoạch quỹ đất nên hướng đến thành lập các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghệ cao. Ngay tại Khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung vẫn còn để dành hàng chục hecta cho công nghệ cao.

TP.HCM cũng như các địa phương phải tính toán lại, hình thành những khu chế xuất, KCN thành KKT giá trị gia tăng. Nghĩa là phải có tổ chức, cơ chế cho mọi mặt đời sống xã hội ngay trong các KCN. Phát triển theo hướng này thì nên liên kết KCN lại với nhau tạo ra vùng sinh thái để có thể phát triển mạnh mẽ thành trung tâm đổi mới, sáng tạo. Đây là động lực cho sự phát triển của cả TP.HCM lẫn vùng Đông Nam bộ.

Bài viết khác