XUYEN A IZ
THE LARGEST INDUSTRIAL ZONE OF LONG AN PROVINCE
.
Tin tức
Attempts to administrative reforms to attract investment

Thông qua việc tập trung cải cách hành chính (CCHC), tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp (DN), Long An thu hút nhiều DN đầu tư sản xuất, kinh doanh và trở thành địa phương phát triển năng động trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.


Lãnh đạo tỉnh tham dự và chứng kiến các thỏa thuận hợp tác của nhà đầu tư Khu công nghiệp Hựu Thạnh và đối tác



Nỗ lực cải cách hành chính

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho biết, Đảng bộ, chính quyền Long An luôn xác định việc CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển DN là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Việc làm này mang lại hiệu quả, liên tục từ năm 2017 đến nay, Long An luôn được xếp vào nhóm Tốt trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Để có được kết quả trên, Long An tập trung nguồn lực, xây dựng phần mềm Quản lý văn bản của tỉnh tích hợp chức năng ký số trên nền tảng web. Đặc biệt, Trung tâm Phục vụ hành chính công (TTPVHCC) tỉnh, 15/15 Trung tâm Hành chính công cấp huyện, 188/188 UBND cấp xã, 18 sở, ngành tỉnh tiếp tục sử dụng phần mềm Một cửa điện tử để tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin tra cứu hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) qua môi trường mạng (Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, tổng đài điện thoại, tin nhắn SMS, qua ứng dụng Zalo). Qua đó, tỷ lệ hồ sơ đã giải quyết đúng hạn đạt 99%.

Năm 2019, kết quả xếp hạng PCI năm 2019 do VCCI công bố, Long An đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng, đạt điểm số 68,82/100 điểm, thuộc nhóm Tốt. Trong 10 chỉ số thành phần, Long An có 5 chỉ số thành phần tăng điểm, gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động của chính quyền tỉnh; thiết chế pháp lý và an ninh, trật tự; chi phí thời gian; dịch vụ hỗ trợ DN. VCCI cho rằng, điểm CCHC tăng là nhờ sự năng động, linh hoạt của lãnh đạo tỉnh trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan DN và nhanh gọn trong triển khai các TTHC. Niềm tin của DN được tiếp tục khơi dậy thông qua gắn kết giữa DN và chính quyền địa phương bằng nhiều hình thức.

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án các khu công nghiệp (KCN) IDICO - Đoàn Văn Hùng, trong quá trình phát triển và triển khai dự án KCN Hựu Thạnh, công ty có nhiều thuận lợi bởi tính năng động của lãnh đạo cấp tỉnh, huyện trong giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án như đền bù, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, về hồ sơ TTHC, nếu như trước đây, hồ sơ hành chính có liên quan đến thẩm quyền giải quyết của nhiều cấp, nhiều cơ quan, DN phải thông qua nhiều đầu mối mới có kết quả cuối cùng thì nay chỉ cần nộp hồ sơ và nhận kết quả tại một đầu mối, giảm đáng kể thời gian và chi phí cho DN. Thời gian gần đây, cán bộ, công chức phục vụ các công việc liên quan TTHC ngày càng thân thiện, mang đến sự hài lòng cho người thực hiện giao dịch.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Võ Minh Thành cho biết: "Sau 2 năm sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính, ngành Tài nguyên và Môi trường nâng cao công tác tham mưu của cấp phòng, đơn vị trực thuộc thông qua nêu cao được trách nhiệm của người đứng đầu. Qua đó, công việc giải quyết TTHC đạt hiệu quả cao. Nếu như năm 2019, số lượng hồ sơ tồn đọng, chưa kịp giải quyết khoảng 10% thì hiện nay, hồ sơ đã tiếp nhận tồn đọng chỉ còn dưới 1%. Đây là kết quả của việc sắp xếp lại bộ máy trong toàn đơn vị, xây dựng quy chế, phân công nhiệm vụ rõ ràng, lấy hiệu quả làm thước đo trách nhiệm”.


Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần tìm hiểu khó khăn, động viên doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19



Xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn 

Long An hiện có 16 KCN đang hoạt động với diện tích khoảng 2.323ha, tỷ lệ lấp đầy 87,6% và có 22 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 77,6%. Từ đầu năm 2020 đến nay, thông qua sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, Long An có thêm nhiều khu, cụm công nghiệp khởi công xây dựng hạ tầng như KCN Silico - Đức Hòa 3, KCN Việt Phát, KCN An Nhựt Tân, KCN Hựu Thạnh, Cụm công nghiệp Hải Sơn - Đức Hòa Đông, Cụm công nghiệp Vinh Khang. Nói về môi trường đầu tư tại Long An, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang nhấn mạnh: "Long An đang trong thời kỳ phát triển sôi động, trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư. Đây là cơ hội để chính quyền tỉnh nỗ lực hơn nữa, nắm bắt thời cơ, tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế”.

Không chỉ chính quyền tỉnh xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, ngay cả nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp cũng đồng hành cùng tỉnh trong phát triển hạ tầng cho khu, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất sạch cũng như thu hút DN trực tiếp sản xuất, kinh doanh. KCN Hựu Thạnh đang triển khai hạ tầng với quy mô trên 524ha, tổng vốn đầu tư 5.253 tỉ đồng. Theo kế hoạch của nhà đầu tư là Tổng Công ty IDICO, KCN được xây dựng với nguyên tắc tối ưu sự đồng bộ, hiện đại và đầy đủ tiện ích về hệ thống hạ tầng kỹ thuật để trở thành KCN xanh, sạch, thân thiện môi trường, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của địa phương và nhà đầu tư. KCN sẽ xây dựng 27km đường giao thông nội khu và liên kết vùng thông qua Đường tỉnh 830, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, kết nối với các KCN lân cận và TP.HCM qua Tỉnh lộ 10, Quốc lộ 1.

Đặc biệt, nhà đầu tư còn thực hiện công trình cấp điện với trạm biến áp 110/22kV, công suất 189MVA và hệ thống lưới điện trung thế 22kV, tự chủ cấp điện cho các nhà máy trong KCN. Hệ thống cấp nước cũng được đầu tư xây dựng trạm trung chuyển và cấp nước sạch, bể chứa và hệ thống đường ống phân phối có tổng lưu lượng 18.000m3/ngày đêm. Các công trình tiện ích khác phục vụ nhà đầu tư trực tiếp sản xuất, kinh doanh cũng được triển khai như trung tâm dịch vụ logistics, hệ thống cấp khí đốt thiên nhiên, khí công nghiệp và thông tin, liên lạc.

Sau thời gian thi công, KCN Cầu cảng Phước Đông dần hoàn thiện những công đoạn cuối để thu hút nhà đầu tư trực tiếp. Phó Tổng Giám đốc KCN Cầu cảng Phước Đông - Trần Tấn Sỹ chia sẻ, KCN có diện tích 128ha, trong đó có trên 92ha đất dành cho phát triển công nghiệp. KCN có nhiều lợi thế về vị trí địa lý cả đường bộ lẫn đường thủy bởi nằm cạnh sông Vàm Cỏ nên quyết tâm đầu tư hạ tầng theo tiêu chuẩn quốc tế, có cảng xuất nhập khẩu hàng hóa với tổng vốn lên 1.500 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn xây dựng 400.000m2 nhà xưởng cho thuê với kinh phí 1.200 tỉ đồng, diện tích linh hoạt từ 800m2 trở lên. Đặc biệt, KCN còn đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà nhằm cung cấp điện phục vụ DN sản xuất.

Lý giải việc xây dựng hệ thống nhà xưởng, kho bãi cho thuê, ông Trần Tấn Sỹ cho biết, sau dịch bệnh Covid-19, làn sóng đầu tư sẽ dịch chuyển sang Việt Nam rất nhiều. Tâm lý của DN nước ngoài mong muốn nhanh có nhà xưởng, sớm bắt tay vào sản xuất. Với hình thức thuê nhà xưởng, DN sẽ giảm chi phí đầu tư ban đầu, giảm rủi ro và nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường với giá cạnh tranh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho biết, từ năm 1997 đến nay, Long An đã thu hút đầu tư vào địa bàn và hiện nay là "ngôi nhà chung” của gần 12.500 DN đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký gần 330.000 tỉ đồng; có gần 2.000 dự án đầu tư trong nước được cấp phép với số vốn đăng ký trên 235.000 tỉ đồng. Thu hút 1.080 dự án FDI, tổng vốn 6,55 tỉ USD. Nhiều năm qua, Long An luôn là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao so với trung bình chung của cả nước, bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 9,11%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đúng theo định hướng chung (công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp). Lãnh đạo tỉnh Long An luôn nhất quán phương châm "đồng hành” cùng DN, nhà đầu tư; xem khó khăn của DN là khó khăn của mình, thành công của DN chính là thành công của tỉnh nhà. Đến với Long An, các DN, các nhà đầu tư sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công các công trình, dự án của mình. Long An thực sự là điểm đến tin cậy, an toàn, thuận lợi và nhiều cơ hội phát triển./.

Mai Hương

Bài viết khác