XUYÊN Á
KHU CÔNG NGHIỆP CÓ DIỆN TÍCH LỚN NHẤT TỈNH LONG AN
.
Tin tức
GIÁ THUÊ BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP TĂNG 10-26% SAU MỘT NĂM

Giá thuê trung bình tại các thị trường bất động sản công nghiệp ở TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng đã tăng lần lượt tăng 26%, 10% và 13% so với cùng kỳ năm trước.

Giá thuê tăng cao, xuất hiện xu hướng dịch chuyển ra vùng ven

Trong quý II/2022, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở ba thành phố lớn là TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng đều đạt mức 90%. Trong đó, giá thuê trung bình tại các thị trường này lần lượt là 189 USD/m2 (tăng 26% so với cùng kỳ), 143 USD/m2 (tăng 10% so với cùng kỳ) và 83 USD/m2 (tăng 13% so với cùng kỳ).

Trong quý vừa qua, cả Hà Nội và TP HCM đều không ghi nhận nguồn cung mới. Thị trường có sự dịch chuyển sang các khu vực lân cận. Bình Dương, Đồng Nai và Long An trở nên thu hút và tiềm năng hơn do quỹ đất còn nhiều và các chính sách thu hút vốn đầu tư hiệu quả. Các chủ đầu tư lớn như Nam Long, Vingroup, CapitaLand và Novaland đã xuất hiện tại những thị trường này.

Tại Hà Nội, thị trường bất động sản công nghiệp trở nên sôi nổi hơn sau đà phục hồi ở quý I. Tỷ lệ lấp đầy tại các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Phòng cũng có sự tăng trưởng.

Thị trường công nghiệp Đà Nẵng cho thấy tiềm năng phát triển khi ghi nhận ba dự án cụm công nghiệp đang triển khai vào quý II/2022, bao gồm: Cụm công nghiệp Cẩm Lệ (29 ha), cụm công nghiệp Hòa Nhơn (24,7 ha) và cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam (20,08 ha).

Colliers cho rằng sức hút của thị trường khu công nghiệp Đà Nẵng đối với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vẫn còn rất lớn. Ngoài ra, nguồn cung tương lai tại khu vực miền Trung cũng đến từ các tỉnh lân cận Đà Nẵng như Quảng Nam với đề xuất quy hoạch tổng diện tích 796,43 ha đất khu công nghiệp.

Bất động sản khu công nghệ thông tin, logistics thu hút đầu tư

"Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” đã tạo điều kiện cho các hoạt động công nghiệp, thương mại, dịch vụ hiện đại hóa, công nghệ hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế đa ngành.

Tính đến cuối quý II/2022, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghệ thông tin tập trung trên cả nước đạt mức 95% – cao hơn so với thị trường khu công nghiệp truyền thống, cho thấy tiềm năng và xu hướng thay đổi trong cơ cấu thị trường bất động sản công nghiệp trong tương lai.

Các dự án được triển khai và mở rộng có thể kể đến như khu công nghệ tập trung Yên Bình (Thái Nguyên) với tổng mức vốn đầu tư 130,43 tỷ USD; khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng IT Park tổng mức vốn 121 triệu USD; Tập đoàn Intel mở rộng quy mô, đưa công ty lắp ráp và kiểm định của Intel (Intel Products Việt Nam – IPV) với mức đầu tư thêm tương đương 475 triệu USD tại Khu Công nghệ cao TP HCM…

Ngoài ra, thị trường bất động sản công nghiệp đã trở nên sôi động hơn khi thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Năm 2022, thị trường logistics Việt Nam sôi nổi và thu hút hơn nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế và sự chuyển đổi hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng sau đại dịch. Sự phát triển của các kênh thương mại điện tử như Shopee, Lazada và sự mở rộng của Taobao làm tăng nhu cầu về không gian lưu trữ và quản lý hàng hóa.

Trong khi đó, các doanh nghiệp logistics trong nước chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ với các kho bãi truyền thống, thiếu cơ sở hạ tầng, công nghệ và vốn. Do vậy, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp mới trong và ngoài nước tham gia vào thị trường logistics Việt Nam bằng cách tận dụng và cải tiến các công nghệ tích hợp và quy trình hiệu quả.

Cùng với đó, hoạt động chuyển đổi số đang tiến triển mạnh mẽ, tạo điều kiện cho E-logistics. Nhu cầu dự trữ và quản lý kho bãi, hàng hóa của các doanh nghiệp thương mại điện tử có môi trường để phát triển rộng rãi hơn, thị trường bất động sản công nghiệp được kỳ vọng sôi nổi và tạo nhiều cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bài viết khác