Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Vì vậy, những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh Long An đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết, tiêu thụ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Hiện tại, toàn tỉnh có 26 hợp tác xã thanh long nhưng việc liên kết tiêu thụ vẫn còn khó khăn
Cần liên kết
Thời gian qua, nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hình thành giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp các doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, đưa nông sản đến với thị trường thế giới. Tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước qua việc khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển hợp tác xã (HTX), xây dựng cánh đồng lớn,... đáp ứng yêu cầu thực tiễn đời sống, giúp nông dân hưởng lợi trực tiếp. Thông qua đó, tạo kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, ứng dụng rộng rãi khoa học - kỹ thuật nông nghiệp thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 để đạt những vụ mùa bội thu, tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cung ứng thị trường.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, việc liên kết tiêu thụ trên địa bàn tỉnh chỉ tập trung ở một số loại cây trồng. Cụ thể: Lúa có 17 HTX và 1 tổ hợp tác thực hiện liên kết với các doanh nghiệp với 4.906ha, sản lượng 26.036 tấn/năm. Rau có 18 HTX thực hiện liên kết với doanh nghiệp, siêu thị chủ yếu ở địa bàn TP.HCM với 157ha, sản lượng 5.718 tấn/năm. Cây bắp chủ yếu liên kết gắn với đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân sản xuất. Hiện tại, có 4 doanh nghiệp (Viện Khoa học miền Nam, Công ty Sygenta, Công ty Giống cây trồng Trung ương, Tập đoàn Lộc Trời) liên kết với các hộ dân trên địa bàn huyện Đức Hòa thực hiện 108ha, sản lượng hơn 800 tấn/năm. Cây chanh hình thức liên kết chủ yếu là các doanh nghiệp, thương lái mua trực tiếp sản phẩm của hộ dân, tất cả đều không có hợp đồng. Riêng huyện Bến Lức có HTX Nông nghiệp Thạnh Lợi liên kết sản xuất với Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ 45ha, sản lượng 450 tấn/năm. Hình thức hợp đồng liên kết là mua bán, hỗ trợ kỹ thuật, vốn đăng ký và duy trì chanh đạt chuẩn GlobalGAP. Còn cây thanh long hình thức liên kết chủ yếu cũng là các doanh nghiệp, thương lái mua trực tiếp sản phẩm của hộ dân, tất cả đều không có hợp đồng. Chỉ có huyện Châu Thành có HTX Thanh long Dương Xuân thực hiện liên kết sản xuất với Công ty Nafoods 128ha, sản lượng 1.920 tấn/năm.
Diện tích rau ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh là 2.092ha, trong đó đạt chứng nhận VietGAP là 105ha
Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa (huyện Cần Đước) - Kiều Anh Dũng cho biết: "HTX ký hợp đồng tiêu thụ ổn định với một số doanh nghiệp, siêu thị, bếp ăn tại tỉnh và TP.HCM. Vì vậy, HTX thu mua rau của thành viên với giá cao hơn thị trường (cơ bản bao tiêu khoảng 80-90% sản lượng rau của thành viên HTX) và tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, nguồn vốn khi thành viên cần. Tuy nhiên, các thành viên phải sản xuất theo kế hoạch do HTX đưa ra và chất lượng sản phẩm theo chuẩn VietGAP”.
Thực tế hiện nay, việc liên kết chuỗi giữa HTX với doanh nghiệp, HTX với HTX,... vẫn còn nhiều "nút thắt” khiến cho việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản đôi lúc còn bỏ ngỏ dẫn đến tình trạng bị tư thương lợi dụng thao túng giá cả thị trường, thậm chí "bẻ gãy” chuỗi liên kết một cách dễ dàng. Giám đốc HTX Gò Gòn (huyện Tân Hưng) - Trương Hữu Trí chia sẻ: "Quá trình xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm; còn xảy ra tình trạng ép giá của doanh nghiệp hay người dân không thực hiện đúng cam kết bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà bán cho thương lái. Hiện nay, tình trạng "cò” lúa, "cò” giống,… hoạt động ngày một tinh vi và luôn muốn phá bỏ các chuỗi liên kết. Vì vậy, nếu chúng ta chỉ làm ăn riêng lẻ mà không chịu liên kết, chia sẻ trách nhiệm với nhau thì sẽ rất khó trụ vững trong cơ chế thị trường. Và thành viên HTX, người dân sẽ mãi là "người làm thuê” trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của gia đình mình”. Ông Phan Văn Sang - thành viên HTX Gò Gòn, nói: "Tôi nghĩ, hiện nay liên kết sản xuất mới phát triển được, còn sản xuất manh mún, nhỏ, lẻ thì rất khó. Vì vậy, tôi tham gia HTX để ổn định đầu ra. Tuy nhiên, tôi mong địa phương và các ngành liên quan cần hỗ trợ nhiều hơn để HTX hoạt động hiệu quả và nông dân sản xuất đạt lợi nhuận cao”.
Để liên kết hiệu quả
Để khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh liên kết "4 nhà” trong phát triển các loại cây trồng, vật nuôi; rà soát, quy hoạch hàng hóa theo vùng sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm các vùng sản xuất hàng hóa tập trung,... Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, Sở đang triển khai chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND, ngày 17-4-2020 của UBND tỉnh); phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát thường xuyên tình hình thực hiện liên kết sản xuất tại địa phương và nắm bắt những khó khăn, thuận lợi để kịp thời đưa ra hướng giải quyết. Sở cùng các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến để nông dân nắm được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ, lợi ích của việc tham gia liên kết sản xuất; tuyên truyền để nông dân hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi đã đồng thuận tham gia ký kết hợp đồng liên kết, tạo được mối liên kết chặt chẽ và bền vững, hiệu quả hơn trong quá trình thực hiện. Hỗ trợ xây dựng và kiện toàn các tổ chức đại diện của nông dân (HTX, tổ hợp tác) tại từng cánh đồng để liên kết, hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả và bền vững. Khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với nông dân, thiết lập và duy trì được mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân trong chia sẻ thông tin thị trường, kỹ thuật, kiến thức, chất lượng sản phẩm, giá cả, phương thức giao dịch thanh toán, cung cấp các dịch vụ giống, phân bón và các dịch vụ khác,… Xây dựng những vùng sản xuất chuyên canh, phát triển các sản phẩm chất lượng cao (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,...).
"Bên cạnh đó, Sở phối hợp sở, ngành liên quan tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường như: Hỗ trợ tìm kiếm các đối tác, mời gọi, thu hút doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ theo mô hình cánh đồng lớn; đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến thương mại thông qua việc tổ chức các hội chợ, triển lãm; xây dựng thương hiệu cho nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh” - bà Khanh nói thêm./.
Huỳnh Phong