Ngày 05/05, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019. Kết quả, kcn Long An đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng, đạt điểm số 68,82/100 điểm, thuộc nhóm tốt.
Năm 2019, kết quả PCI, doanh nghiệp đánh giá chính quyền địa phương quan tâm công tác giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn
PCI năm 2019, đứng đầu bảng xếp hạng vẫn là Quảng Ninh đạt 73,40 điểm, tăng 3,04 điểm so với năm 2018; kế đến là Đồng Tháp đạt 72,10 điểm; Vĩnh Long hạng 3 đạt 71,30 điểm.
Long An đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng, đạt 68,82/100 điểm, thuộc nhóm tốt. Với điểm số này, Long An tăng 0,73 điểm so với năm 2018. Điểm số cao nhất Long An đạt được là thiết chế pháp lý và an ninh, trật tự với 7,57 điểm (tăng 1,07 điểm so với năm 2018); điểm số thấp nhất là đào tạo lao động với 6,20 điểm (giảm 0,1 điểm so với năm 2018).
Năm 2019, Long An có 5 chỉ số thành phần tăng điểm, gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động của chính quyền tỉnh; thiết chế pháp lý và an ninh, trật tự; chi phí thời gian; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. 5 chỉ số thành phần giảm điểm, gồm: Gia nhập thị trường; chi phí không chính thức; đào tạo lao động; tiếp cận đất đai; cạnh tranh bình đẳng.
Chủ tịch VCCI - Vũ Tiến Lộc cho rằng, PCI năm 2019 có điểm trung vị cao nhất từ trước tới nay. Xu hướng hội tụ, thu hẹp sự cách biệt trong chất lượng điều hành giữa các tỉnh, thành phố cho thấy cải cách hành chính đã đồng đều hơn ở các địa phương, thể hiện ở sự năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng.
Bên cạnh đó, công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp có nhiều tiến bộ, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, tính minh bạch được cải thiện, cơ chế pháp lý và an ninh, trật tự được củng cố, chi phí không chính thức tiếp tục giảm; cải cách hành chính được đẩy mạnh... Bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh trở nên tươi sáng hơn.
Theo thu thập thông tin của VCCI về PCI, có tới 70-80% doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền. Niềm tin của doanh nghiệp được tiếp tục khơi dậy, môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn. Điều này sẽ tạo ra công ăn việc làm, đóng góp ngân sách, tạo ra năng lực cạnh tranh và tăng cường sự thịnh vượng của quốc gia.
Năm 2019, có 12.429 doanh nghiệp từ 63 tỉnh/thành trên cả nước tham gia điều tra, trong đó 1.583 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Qua 15 năm thực hiện điều tra PCI (2005-2019), hơn 141.000 lượt doanh nghiệp phản hồi điều tra PCI, gồm 125.160 doanh nghiệp dân doanh và gần 15.850 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài./.