Tỉnh, ngành chức năng, địa phương tổ chức nhiều giải pháp để triển khai thực hiện, tăng cường quản lý, thu gom chất thải rắn, nhất là rác thải sinh hoạt trên địa bàn, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Hạn chế ô nhiễm
Những năm qua, KT-XH của tỉnh Long An không ngừng phát triển. Chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn không ngừng được nâng lên. Song song đó, tỷ lệ gia tăng dân số cơ học trên địa bàn cũng tăng theo quá trình phát triển. Tình trạng trên đã gây áp lực nhất định đến công tác quản lý nhà nước, nhất là vấn đề chính sách an sinh xã hội, xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh.
Tỉnh Long An có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp người dân có cuộc sống ổn định hơn. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường quản lý, thu gom chất thải sinh hoạt đạt kết quả, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.
Long An tăng cường thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Rác thải sinh hoạt thời gian gần đây là thách thức lớn đối với huyện Đức Hòa. Có thời gian, lượng rác phát sinh quá lớn trong khi việc thu gom và xử lý còn hạn chế, chưa kịp thời đã gây ra tình trạng ô nhiễm. Mặt khác, một số đơn vị thiếu ý thức lén lút đổ trộm chất thải. Điều này không chỉ gia tăng ô nhiễm mà còn gây bức xúc lớn với người dân địa phương.
Trước thực tế trên, tỉnh, huyện tập trung quyết liệt, tăng cường thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tốt hơn. Huyện tích cực phối hợp ngành liên quan làm việc với TP.HCM về việc tiếp nhận và xử lý rác thải của địa bàn. Mặt khác, huyện tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh nghiêm tình trạng đổ trộm rác thải để xử lý dứt điểm tình trạng này. Bên cạnh đó, huyện còn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ thời gian, lịch thu gom, xử lý rác và bỏ rác đúng nơi quy định để thuận lợi hơn trong công tác thu gom, xử lý; đồng thời phát huy vai trò của người dân trong việc giám sát tình trạng môi trường tại khu vực, địa bàn sinh sống. Từ đó, huyện giải quyết tốt hơn tình trạng rác thải sinh hoạt tại địa phương.
Ông Trần Văn Ngoan, ngụ ấp Mới 1, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, cho hay: "Tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi. Một số đơn vị ý thức kém đổ trộm rác thải gây bức xúc trong dư luận. Chúng tôi hiểu rõ những áp lực, thách thức của địa phương đối với vấn đề rác thải sinh hoạt trong bối cảnh huyện nhà không ngừng phát triển KT-XH, dân số cơ học tăng mạnh hàng năm. Để góp phần cùng địa phương chấn chỉnh, xử lý tốt hơn tình trạng trên, người dân chúng tôi theo dõi thời gian đổ rác và bỏ rác đúng theo quy định; nộp phí xử lý rác hàng tháng đầy đủ; tổ chức thu gom rác dọc các tuyến đường về đúng nơi quy định. Đồng thời, chúng tôi thường xuyên giám sát các hoạt động liên quan, nếu phát hiện việc đổ trộm rác thải sẽ báo cáo với địa phương để có biện pháp giải quyết tốt hơn tình trạng này”.
Theo thông tin từ UBND huyện Đức Hòa, chất thải sinh hoạt là một trong những thách thức lớn đối với địa phương. Thời gian qua, một số nơi, việc thu gom chưa đầy đủ nên đã xảy ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Trước thực tế trên, huyện tích cực phối hợp ngành chức năng làm việc với TP.HCM, bảo đảm việc thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn. Huyện tổ chức tốt hơn công tác thu gom và vận chuyển rác thải về đúng nơi xử lý. Bên cạnh đó, huyện hướng dẫn người dân xử lý rác thải tại gia đình một cách phù hợp nhất; tổ chức kiểm tra, lắp đặt camera giám sát vừa bảo đảm an ninh, trật tự, vừa phát hiện tình trạng đổ trộm rác để có biện pháp xử lý thích hợp; tổ chức thực hiện nhiều mô hình bảo vệ môi trường để vừa cải thiện cảnh quan, vừa hạn chế ô nhiễm. Về lâu dài, huyện kiến nghị tỉnh cần có giải pháp, quy hoạch, sớm xây dựng nhà máy xử lý rác thải để xử lý tốt hơn rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Hiện nay, rác thải sinh hoạt tại huyện dao động từ 110-150 tấn/ngày.
Tăng cường quản lý, thu gom
KT-XH huyện Cần Giuộc phát triển mạnh trong thời gian qua. Cùng với đó, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn phát sinh lớn, gây áp lực trong công tác quản lý nhà nước. Huyện thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tăng cường quản lý, thu gom rác thải tốt hơn. Theo đó, huyện tổ chức thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt theo kế hoạch, vận động người dân tuân thủ lịch thu gom; hướng dẫn, xây dựng mô hình bảo vệ môi trường: Lò đốt rác tại gia đình, trồng cây xanh, phân loại rác tại nguồn, hạn chế đặt thùng rác tại những tuyến đường chính,...
Bà Nguyễn Thị Huỳnh, ngụ xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, chia sẻ: "Nhà tôi nằm trong đồng, xa khu dân cư nên được địa phương hướng dẫn xây dựng hố thu gom và xử lý rác sinh hoạt, đốt theo đúng quy định. Chúng tôi còn trồng cây xanh, hoa,... để bảo vệ môi trường, cải thiện diện mạo cảnh quan trong khu vực sinh sống”.
Thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, cho hay: "Gia đình sống cạnh trục đường chính nên chúng tôi tuân thủ thời gian, lịch trình thu gom, xử lý rác của địa phương. Đúng giờ, rác sinh hoạt của gia đình được đem bỏ đúng vị trí để thuận lợi cho các đơn vị trong việc thu gom, xử lý. Chúng tôi đóng tiền xử lý rác theo quy định, tổ chức trồng và chăm sóc cây xanh để cải thiện cảnh quan môi trường, hạn chế ô nhiễm”.
Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: Huyện tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt đầy đủ và chuyển về vị trí xử lý đúng quy định. Hiện nay, rác thải sinh hoạt trên địa bàn được vận chuyển về Nhà máy Xử lý rác Đa Phước (TP.HCM) để xử lý. Để tăng cường quản lý, thu gom rác thải tốt hơn, hạn chế ô nhiễm, huyện tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác theo đúng thời gian, lịch đã được thông báo; tăng cường trồng cây xanh, hoa, phát quang và ra quân thu gom rác. Đồng thời, huyện tổ chức hướng dẫn người dân xử lý rác tại gia (đối với những hộ ở xa khu dân cư, tuyến đường chính,...) bằng việc xây dựng hố thu gom, lò đốt rác,... Thời gian tới, huyện mong tỉnh tạo điều kiện, phối hợp làm việc với TP.HCM về việc tiếp nhận, xử lý rác trên địa bàn. Mặt khác, tỉnh có kế hoạch, giải pháp cụ thể đối với vấn đề xử lý rác thải tại địa phương.
Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn thông tin: Tỉnh có nhiều giải pháp, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, từ đó công tác này được cải thiện và đạt một số kết quả trong thời gian qua. Hiện nay, lượng rác tỉnh thu gom dao động từ 550-600 tấn/ngày. Rác thải sinh hoạt của tỉnh chủ yếu được xử lý tại Nhà máy xử lý Tâm Sinh Nghĩa, Nhà máy xử lý Đa Phước (TP.HCM), Khu liên hiệp xử lý rác tại huyện Củ Chi (TP.HCM). Bên cạnh đó, một số địa phương có bãi rác tạm để xử lý. Tuy nhiên, công tác thu gom, xử lý rác thải vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định. Sở phối hợp các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý, thu gom rác thải quyết liệt, đầy đủ và chuyển về vị trí đúng quy định. Bên cạnh đó, Sở tham mưu UBND tỉnh tiếp tục làm việc, phối hợp TP.HCM về việc tiếp tục tiếp nhận và xử lý rác cho địa phương. Về lâu dài, Sở tham mưu UBND tỉnh giải pháp hữu hiệu hơn để tăng cường quản lý, thu gom rác thải đạt kết quả./.
Châu Sơn