XUYÊN Á
KHU CÔNG NGHIỆP CÓ DIỆN TÍCH LỚN NHẤT TỈNH LONG AN
.
Tin tức
Giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long liên tục biến động

Theo một thương lái đang thu mua lúa tại các huyện Tân Hồng và Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết mặt hàng "nóng" và tăng giá mạnh nhất vào thời điểm này là lúa IR504 bán tại ruộng.


Thu hoạch lúa Đông Xuân năm 2019-2020 tại xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN)



Những ngày qua, giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long liên tục biến động theo hướng tăng cao.

Khi lúa Hè Thu 2020 sắp thu hoạch hết, đây cũng là tin vui đối với các doanh nghiệp cũng như nông dân còn trữ lúa từ vụ trước.

Theo một thương lái đang thu mua lúa tại các huyện Tân Hồng và Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết mặt hàng "nóng" và tăng giá mạnh nhất vào thời điểm này là lúa IR504 bán tại ruộng.

Tuần trước, dao động từ 5.500-5.600 đồng/kg trong tuần này đã nhích lên 5.700 đồng/kg; còn lúa khô IR504 vụ Đông Xuân được các chủ vựa bán lại là 7.500 đồng/kg.

Trong khi đó, các loại lúa thơm như OM5451 giá 5.800 đồng/kg, Jasmine 85 giá 6.500 đồng/kg (lúa tươi)... So với 10 ngày trước, giá này đã tăng khoảng 500 đồng/kg.

Một chủ vựa lúa ở Cần Thơ chia sẻ, cách đây 10 ngày, ông vừa bán 250 tấn lúa Jasmine 85 trữ từ vụ Đông Xuân 2019-2020 với giá 7.500 đồng/kg, tính ra đã có lãi 1.000 đồng/kg so với lúc mua vào.

Đến nay, khi giá lúa Jasmine đã lên đến 8.200 đồng/kg, nếu ai còn lúa trữ sẽ có lãi cao hơn. 

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt mức cao. Loại gạo 5% tấm ở mức 478-482 USD/tấn.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, thành phố Cần Thơ xác nhận, hiện cả lúa, gạo đều tăng giá.

Theo ông Bình, nguyên nhân của việc này là do thị trường xuất khẩu đang tốt, cùng với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vừa có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua đã có tác động tích cực đến ngành hàng lúa gạo.

Cũng theo ông Bình, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu về lúa gạo của thế giới đã và đang tăng lên. "Khi người dân hạn chế ra ngoài vì lo ngại dịch bệnh thì các bữa ăn ở nhà sẽ nhiều hơn và sẽ tiêu thụ nhiều lương thực hơn,” Tổng Giám đốc Công ty Trung An nhận định.

Hiện nay, ở các tỉnh, thành thuộc vùng phù sa ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long ít chịu ảnh hưởng lũ sớm như: thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang... lúa vụ Thu Đông 2020 được xuống giống sớm, với diện tích khá lớn.

Vụ lúa này đang trong giai đoạn làm đòng, trổ chín và dự kiến đến đầu tháng Chín tới đây bắt đầu thu hoạch sớm, cung cấp lượng lớn lúa gạo cho thị trường và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sắp tới.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết tính đến thời điểm này, nông dân đã xuống giống lúa vụ Thu Đông 2020 được 68.163ha, đạt 107% kế hoạch.

Theo đó, địa phương có diện tích xuống giống nhiều nhất là huyện Vĩnh Thạnh, với gần 19.800 ha, tăng hơn 4.600ha so với kế hoạch. Trong khi đó, tại các tỉnh ven biển như Trà Vinh, Sóc Trăng, lúa Hè Thu chính vụ đang bắt đầu thu hoạch.

Theo ông Nguyễn Thành Phước, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, vụ Hè Thu năm nay, nông dân Sóc Trăng xuống giống 142.000ha; trong đó, mới vừa thu hoạch khoảng trên 37.000ha, năng suất bình quân 5-5,5 tấn/ha, dự kiến sản lượng cuối vụ sẽ có trên 750.000-800.000 tấn. Do đó, địa phương không quá lo thiếu nguồn cung lúa gạo./.

Theo TTXVN

Bài viết khác