Luật Đất đai (LĐĐ) thi hành trên địa bàn tỉnh Long An đạt những kết quả nhất định nhưng việc triển khai vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn. Tỉnh đề xuất, kiến nghị cần hướng dẫn cụ thể, điều chỉnh, bổ sung một số quy định trong LĐĐ phù hợp với thực tế địa phương.
Việc thi hành Luật Đất đai góp phần thúc đẩy KT – XH địa phương phát triển
Thúc đẩy KT – XH phát triển
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) – Võ Minh Thành, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, nghiêm túc triển khai, thực hiện LĐĐ và đạt nhiều kết quả nhất định. Qua gần 8 năm triển khai, LĐĐ năm 2013 tạo được sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai, thực hiện các công việc, nhiệm vụ liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực chuyên ngành, tạo động lực, thúc đẩy KT – XH địa phương phát triển.
Công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh dần đi vào nề nếp; công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được thực hiện kịp thời và đúng trình tự thủ tục, làm cơ sở cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai cơ bản hoàn thành.
Công tác kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất được thực hiện thường xuyên, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai từng bước đi vào nề nếp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.
Theo Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường – Nguyễn Văn Vũ, LĐĐ khi thi hành tại địa phương đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy KT – XH phát triển. Thị xã cơ bản lập được hệ thống hồ sơ địa chính dạng số đồng bộ giữa bản đồ địa chính với thông tin đăng ký, cấp giấy chứng nhận, tạo nền tảng quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, phục vụ đa mục tiêu. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng trong thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm quyền lợi cho người có đất bị thu hồi,…
Thông tin từ UBND huyện Đức Hòa, từ khi LĐĐ có hiệu lực thi hành, cùng với hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành từ cấp trên tạo điều kiện thúc đẩy KT – XH phát triển. Địa phương thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước, tuân thủ và thực hiện đúng quy định pháp luật, khai thác, sử dụng tài nguyên đất hợp lý, hiệu quả, hạn chế thấp nhất tình trạng lãng phí đất đai trên địa bàn,…
Còn một số hạn chế, tồn tại
Tuy nhiên, LĐĐ khi triển khai trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số hạn chế, tồn tại nhất định liên quan đến dự án có sử dụng đất trồng lúa; lập thủ tục đất đai đối với các trường hợp kiểm đếm vắng chủ, kiểm đếm bắt buộc; về việc xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; về quản lý, sử dụng quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích; hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác định giá đất; giải quyết tranh chấp đất đai; khiếu nại đòi lại đất cũ,…
Luật Đất đai khi thi hành còn một số hạn chế, tồn tại, cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tế
Bên cạnh đó, LĐĐ có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác như Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở,… nhưng chưa được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời dẫn đến địa phương lúng túng trong quá trình thực hiện. Quy định về giao đất, cho thuê đất và giá đất chưa được quy định rõ ràng, đặc biệt là các phương pháp xác định giá đất còn định tính, chưa có tính định lượng, vì vậy trong quá trình xác định giá đất bồi thường, kể cả xác định giá đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai còn nhiều khó khăn, bất cập trong việc thu thập thông tin để đưa ra giá đất cụ thể được chính xác, từ đó dẫn đến nhiều trường hợp sau khi xác định giá đất thì nhà đầu tư khiếu nại. Về quy hoạch đất trồng lúa, hiện nay, việc khoanh vùng khu vực diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt để phục vụ canh tác lúa nước nhằm bảo đảm vấn đề an ninh lương thực do Bộ TN&MT xác định. Tuy nhiên, việc xác định nêu trên đôi khi chưa phù hợp mục tiêu phát triển KT – XH của địa phương,…
Trên cơ sở thực tế tại địa phương, tỉnh cũng tham mưu, đề xuất cấp trên xem xét hướng dẫn cụ thể; đồng thời, điều chỉnh, bổ sung một số quy định cho phù hợp để LĐĐ đi vào thực tế cuộc sống, góp phần thúc đẩy KT – XH phát triển./.
Tỉnh xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ vướng mắc khi thi hành Luật Đất đaiUBND tỉnh báo cáo, xin ý kiến Bộ TN&MT tháo gỡ vướng mắc, khó khăn khi triển khai thi hành Luật Đất đai (LĐĐ). Trong đó, Bộ cần hướng dẫn cách tính chi phí lãi vay, chi phí đầu tư xây dựng theo phương pháp thặng dư áp dụng theo suất đầu tư của tỉnh hay áp dụng theo dự toán công trình hạ tầng kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và trong công tác thu thập thông tin tài sản tương đồng một cách chính xác nhất, thu đúng, thu đủ. Hướng dẫn địa phương tháo gỡ vướng mắc trong việc xác định số tiền sử dụng đất của loại đất trước khi chuyển mục đích.Bộ TN&MT hướng dẫn có thể tăng nhóm công lao động được hay không và tăng bao nhiêu nhóm cho phù hợp với quy định; hướng dẫn đối với dự án khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn mới làm cơ sở xác định thuộc trường hợp thu hồi đất theo Điều 62 hay nhận, chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo Điều 73 LĐĐ năm 2013. Đồng thời, Bộ cũng hỗ trợ, xem xét, hướng dẫn thêm địa phương tháo gỡ vấn đề đối tượng thu hồi đất; thẩm quyền chấp thuận việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất theo quy hoạch xây dựng chi tiết; giải quyết đối với trường hợp nhiều người đứng tên đồng sử dụng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;…Qua kết quả thống kê đất đai năm 2021, diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 449.479ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 352.013ha, chiếm 78,32%; đất phi nông nghiệp 97.466ha, chiếm 21,68%. Hiện nay, theo chỉ tiêu thống kê diện tích đất đai phân phối cho các đối tượng sử dụng trong tổng quỹ đất của tỉnh, diện tích các loại đất đai được phân phối cho các đối tượng sử dụng là 397.673ha, chiếm 88,47% diện tích tự nhiên, trong đó: Hộ gia đình và cá nhân sử dụng 361.810ha (chiếm 80,50% diện tích tự nhiên); tổ chức kinh tế sử dụng 27.091ha (chiếm 6,03% diện tích tự nhiên); cơ quan, đơn vị của Nhà nước sử dụng 4.863ha (chiếm 1,08% diện tích tự nhiên); tổ chức sự nghiệp công lập sử dụng 2.970ha (chiếm 0,66% diện tích tự nhiên); tổ chức khác 39ha (chiếm 0,01% diện tích tự nhiên); doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng 606ha (chiếm 0,13% diện tích tự nhiên); cộng đồng dân cư và cơ sở tôn giáo sử dụng 293ha (chiếm 0,07% diện tích tự nhiên).Tổng diện tích quỹ đất công trên địa bàn tỉnh hiện là 3.347,79ha (tương ứng 5.601 thửa). Trong đó, diện tích đất công đang trực tiếp sử dụng 1.682,17ha; diện tích đất công chưa đưa vào sử dụng 141,00ha; tổng diện tích đất công cho thuê 1.102,21ha (gồm diện tích đất công đang cho hộ gia đình cá nhân thuê 801,44ha, diện tích đất công cho tổ chức thuê 300,77ha); diện tích đất công đang cho mượn 93,14ha. UBND các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh đã và đang khẩn trương triển khai, thực hiện Quy chế phối hợp về quản lý, sử dụng đất do Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 1331/QĐ-UBND, ngày 12/4/2019, trong đó: Đã đo đạc, cắm mốc ranh giới từng thửa đất rõ ràng, thống nhất ngoài thực địa với tổng số 3.715 thửa, đã và đang tiếp tục đo đạc đối với phần diện tích còn lại. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 29 khu đất có diện tích lớn, với tổng diện tích 12.491,22ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Đức Huệ, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Đức Hòa và thị xã Kiến Tường. |