XUYÊN Á
KHU CÔNG NGHIỆP CÓ DIỆN TÍCH LỚN NHẤT TỈNH LONG AN
.
Tin tức
BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP: HỒI SINH CÙNG LÀN SÓNG ĐẦU TƯ

(TBTCO) – Theo các chuyên gia, bất động sản công nghiệp hiện đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước chú trọng đầu tư sâu hơn; trong đó có cả dịch vụ, đô thị và đặc biệt là hệ sinh thái công nghiệp xanh, bền vững.

Nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư

Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có 260 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động và 75 KCN đang được quy hoạch. Điều này cho thấy mức độ phát triển đang diễn ra ở cả vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và phía Bắc. So với Indonesia, Malaysia và Philippines, giá đất công nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối thấp. Các chuyên gia đánh giá, đó là cơ hội cho các nhà đầu tư và nhà phát triển tận dụng các chuyển động để tìm cơ hội tham gia vào thị trường.

Tuy nhiên, dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn các hoạt động luân chuyển hàng hóa, làm trì hoãn tiến độ thực hiện nhiều dự án, khiến hàng loạt tập đoàn, tổng công ty đa quốc gia buộc phải tính toán chiến lược đầu tư; các nước đều phải nghiên cứu thay đổi chính sách thu hút đầu tư cho phù hợp với bối cảnh mới.

Nguồn: Dự thảo Báo cáo Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Nguồn: Dự thảo Báo cáo Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các nhà đầu tư đến từ châu Á, châu Âu, Hoa Kỳ và ASEAN tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm 2022, đã có 10,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam; trong đó, vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh, lần lượt là 92,5% và 74,5% so với cùng kỳ, cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư kinh doanh và các giải pháp, chính sách phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.

Trong báo cáo vừa công bố, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) đã đưa ra nhận định rằng, bất động sản (BĐS) công nghiệp đang hồi sinh cùng làn sóng đầu tư. VARs cũng cho rằng, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine cùng với chính sách "zero Covid” của Trung Quốc khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng; chuỗi sản xuất đứt gãy, chi phí và thời gian vận tải tăng cao… Qua đó, thúc đẩy nhu cầu cao về kho bãi và nhà xưởng ngay tại các thị trường tiêu thụ. Các yếu tố cộng hưởng đang giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm đến mới của các doanh nghiệp sản xuất đa quốc gia.

Cần tháo gỡ những điểm nghẽn

Từ cơ hội, đang được minh chứng bằng hiện thực. Bà Trang Bùi – Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, nếu như trước đây, dòng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS của Việt Nam tập trung chủ yếu ở phân khúc BĐS nhà ở, nhưng thời gian gần đây, đã có sự dịch chuyển sang phân khúc BĐS KCN. Theo đó, có nhiều tập đoàn lớn trong nước và quốc tế cũng tham gia đầu tư BĐS công nghiệp tại Việt Nam.

Nhằm đáp ứng nhu cầu BĐS KCN của nhà đầu tư trong và ngoài nước gia tăng nhanh chóng thời gian gần đây, rất nhiều địa phương trên cả nước đã đặt mục tiêu phát triển số lượng các KCN trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Điển hình như tại TP. Hải Phòng, địa phương này đặt mục tiêu có thêm 15 KCN mới trong giai đoạn 2021-2025, hay tỉnh Bắc Giang, đặt mục tiêu có gần 30 KCN vào năm 2030…

Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoàiBáo cáo vừa công bố của Savills đánh giá, Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2022. Công nghiệp và chế tạo vẫn là ngành chủ lực của nền kinh tế Việt Nam. Nếu so sánh với con số của năm 2021, thị phần vốn FDI của ngành giữ ở mức ổn định, đạt 60% trong 3 tháng đầu năm. Xét theo nguồn vốn, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục là hai quốc gia và vùng lãnh thổ có tổng mức đầu tư đứng đầu thị trường, lần lượt chiếm 18% và 6% thị phần.

Tuy nhiên, bà Trang Bùi cũng nhìn nhận một trong những "điểm nghẽn” đối với phát triển BĐS KCN và thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay, đó là vấn đề hạ tầng, Việt Nam dành 5,8% GDP mỗi năm để đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Trên thực tế, chính sách phát triển về cơ sở hạ tầng của Việt Nam được quyết định rất nhanh, nhưng quá trình thực hiện lại chậm. Chưa kể, hạ tầng hiện nay mới chỉ tập trung ở một số tỉnh, thành, trong khi đó, có một số địa phương có tiềm năng phát triển bất động sản công nghiệp, nhưng cơ sở hạ tầng lại chưa phát triển. Điển hình như Tây Ninh – đây là địa phương có lợi thế phát triển, nhưng cơ sở hạ tầng kém phát triển, làm hạn chế cơ hội thu hút đầu tư của địa phương này.

Chia sẻ về những khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp tại Việt Nam, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng: "Thị trường Việt Nam chứa đựng sẵn nhiều yếu tố đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh cao để tìm kiếm địa điểm phù hợp. Bất động sản công nghiệp vẫn còn tập trung nhiều tại các địa bàn lân cận khu đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và có kết nối thuận tiện với sân bay, bến cảng. Điều này đã khiến nguồn cung tại các khu vực này trở nên khan hiếm và đồng thời đẩy giá đất tăng cao”.

Tùy vào đặc tính của từng ngành, nhà đầu tư sẽ tìm thấy những cơ hội và lợi thế phát triển khác nhau ở rộng khắp Việt Nam. Chuyên gia Savills cho biết, mỗi lĩnh vực sẽ có những yêu cầu riêng. Nhiều doanh nghiệp ưu tiên các tiêu chí về diện tích lớn, giá đất thấp và khả năng tiếp cận đến cảng biển, sân bay. Bởi vậy, để tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư tại các tỉnh, Việt Nam cần hoàn thiện mạng lưới giao thông, cải thiện cơ sở hạ tầng cũng như ban hành các chính sách hỗ trợ kinh tế. Từ đó, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất sẽ được trải đều qua các địa phương trên cả nước.

Bài viết khác