XUYÊN Á
KHU CÔNG NGHIỆP CÓ DIỆN TÍCH LỚN NHẤT TỈNH LONG AN
.
Tin tức
Long An: Tiếp tục xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp

Hiện nay, Long An tập trung lãnh, chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC), hướng đến xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở



Nhiều kết quả nổi bật

10 năm qua (2011-2020), công tác CCHC của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; chỉ số CCHC được cải thiện qua từng năm. Trong đó, công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm, thực hiện quyết liệt, hiệu quả; việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được nâng lên về chất lượng; công tác kiểm tra, tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được tăng cường, kịp thời kiến nghị bãi bỏ, hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế theo đúng quy định của pháp luật; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ - Nguyễn Văn Bon, 10 năm qua, tỉnh đã rà soát 405 thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện phương án đơn giản hóa đối với 378 TTHC; chi phí tiết kiệm được trên 94 tỉ đồng. Đồng thời, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần giảm hồ sơ trễ hạn, từng bước nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức. Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục được đổi mới, tổ chức bộ máy được kiện toàn, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giảm cấp trung gian; từng bước cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; kỷ luật, kỷ cương, hành chính ngày càng được nâng cao.

Là đơn vị nhận cờ thi đua của UBND tỉnh sau 10 năm thực hiện công tác CCHC, Sở Tư pháp luôn xác định yếu tố con người là quan trọng trong cải cách TTHC. Theo đó, Sở quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Theo Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung, với phương châm lấy sự hài lòng của khách hàng và kết quả cải cách TTHC làm thước đo mức độ hoàn thành công việc, thời gian qua, toàn thể đơn vị làm tốt công tác tham mưu cải cách thể chế trên địa bàn. Đặc biệt, công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) ngày càng chặt chẽ, bảo đảm đúng tiến độ. 10 năm qua, Sở phối hợp các sở, ngành tỉnh tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành 789 văn bản QPPL (192 nghị quyết, 581 quyết định, 16 chỉ thị). Tất cả văn bản QPPL đều được tham mưu ban hành đúng trình tự, thủ tục theo pháp luật quy định.

Niêm yết công khai thủ tục hành chính giúp người dân thuận tiện khi liên hệ công tác


Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Bên cạnh những kết quả đã đạt, công tác CCHC của tỉnh trong 10 năm qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Công tác chỉ đạo, điều hành có lúc, có nơi chưa sâu sát, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện công tác CCHC ở một số cơ quan, đơn vị chưa được nâng cao; việc chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế sau kiểm tra chưa triệt để; việc rà soát, hệ thống hóa và đánh giá thể chế trên các lĩnh vực quản lý nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu cải cách, vẫn còn lĩnh vực có nhiều văn bản điều chỉnh nhưng chưa thống nhất;…

Theo Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, thời gian tới, Sở tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, cập nhật, sửa đổi, bổ sung TTHC phù hợp với pháp luật hiện hành; thực hiện thẩm định, góp ý kịp thời các dự thảo văn bản QPPL theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đề nghị của sở, ngành; duy trì niêm yết công khai TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Tư pháp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hệ thống quản lý trên mạng vi tính;...

Để tiếp tục xây dựng nền hành chính nhà nước cấp tỉnh hoạt động hiệu quả trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần yêu cầu các sở, ngành tỉnh và các địa phương tích cực phát huy kết quả, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đề ra các giải pháp khắc phục, tập trung vào định hướng nhiệm vụ CCHC của tỉnh trong giai đoạn 2021-2030. Đặc biệt, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như thực hiện cải cách quyết liệt, hiệu quả TTHC, gỡ bỏ mọi rào cản từ phía các cơ quan quản lý và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch; công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển ngành, lĩnh vực, danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư; tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Song song đó, các sở, ngành tỉnh và các địa phương tích cực đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử, quản lý thuế và các dịch vụ phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số; hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trong quản trị và sản xuất, kinh doanh; tăng cường chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, tạo lập niềm tin, thói quen cho người sử dụng.

10 năm qua (2011-2020), chỉ số cải cách hành chính của tỉnh được cải thiện qua từng năm và hiện nằm trong top 10 địa phương có chỉ số cao của 63 tỉnh, thành trong cả nước. Cụ thể, năm 2012, Long An hạng 20/63; năm 2013, hạng 50/63; năm 2014, hạng 48/63; năm 2015, hạng 23/63; năm 2016, hạng 30/63; năm 2017, hạng 12/63; năm 2018, hạng 7/63 và năm 2019, tỉnh hạng 5/63 tỉnh, thành./.

Sông Măng

Bài viết khác