Công nghiệp ngày càng khẳng định vai trò, vị trí chủ đạo trong cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng đối với sự phát triển của huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Môi trường thuận lợi để phát triển công nghiệp

Là huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh, tiếp giáp TP.HCM, tỉnh Tây Ninh nên Đức Hòa có nhiều điều kiện để phát triển, nhất là kinh tế công nghiệp. Những năm qua, lãnh đạo địa phương luôn xác định rõ kinh tế chủ lực của Đức Hòa nằm ở khu vực II (công nghiệp – xây dựng) nên có nhiều quyết sách đúng đắn, hợp lý trong việc thu hút đầu tư vào địa bàn. Không chỉ tỉnh tập trung ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư mà huyện cũng luôn phấn đấu xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính, lề lối làm việc, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp (DN) đến đầu tư, hoạt động trên địa bàn. Từ những quyết sách đúng đắn, lĩnh vực công nghiệp – xây dựng phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy KT – XH của huyện không ngừng phát triển. Hiện nay, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng phát triển công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp – xây dựng đóng góp 92,23%, thương mại – dịch vụ đóng góp 5,55% và nông nghiệp đóng góp 2,22%.

Lĩnh vực công nghiệp – xây dựng đóng góp 92,23% trong cơ cấu kinh tế của huyện Đức Hòa (Ảnh chụp Khu công nghiệp Tân Đức)

Theo Tổng Giám đốc Công ty (Cty) Cổ phần Đầu tư Tân Đức – Phan Nhật Nam, Đức Hòa có vị trí, môi trường đầu tư rất tốt. Cty về đầu tư tại địa bàn huyện luôn được địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động. Hiện nay, Cty đầu tư dự án Khu công nghiệp (KCN) – Dịch vụ – Đô thị Tân Đức tại xã Đức Hòa Hạ và Hựu Thạnh, tổng quy mô hơn 1.140ha. Cty đền bù giải phóng mặt bằng gần 100%.

Giai đoạn 1, KCN thu hút gần 150 DN, trong đó nhà đầu tư nước ngoài chiếm hơn 40%, giai đoạn 2 thu hút gần 60 nhà đầu tư với tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài hơn 60%. Cty kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm khắc phục hạn chế trong kết nối giao thông, giá đền bù, đẩy mạnh công tác đào tạo lực lượng lao động có tay nghề, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư.

Theo đại diện Cty TNHH Hải Sơn, Cty được tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư. Lãnh đạo tỉnh, huyện luôn lắng nghe, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của DN. Từ đó, Cty an tâm phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, Cty mở rộng quy mô, đầu tư thêm một vài dự án mới trên địa bàn huyện Đức Hòa (ngoài KCN Hải Sơn) và các huyện khác trong tỉnh. Hy vọng, Cty tiếp tục phát triển hơn nữa để đóng góp vào sự phát triển của Long An nói chung, huyện Đức Hòa nói riêng.

Đóng góp vào sự phát triển của địa phương

Không chỉ đóng góp thiết thực vào kinh tế, tạo ra nhiều việc làm, việc phát triển công nghiệp còn giúp người dân ổn định cuộc sống. Ông Trần Văn Hồng (xã Mỹ Hạnh Bắc) chia sẻ: "Nếu như trước đây, gia đình tôi chỉ trông chờ vào thu nhập từ việc trồng đậu, chăn nuôi thì giờ đây, thu nhập chính là tiền lương công nhân làm trong một nhà máy ở địa phương. Mỗi tháng, gia đình có thêm thu nhập hơn 10 triệu đồng, đủ trang trải cho sinh hoạt hàng ngày và còn tiết kiệm được một phần. Cộng với thu nhập khác, kinh tế gia đình tôi ổn định hơn”.

Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa – Lê Trường Chinh thông tin: Những năm qua, cơ cấu kinh tế huyện có xu hướng phát triển mạnh trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng và kinh tế công nghiệp ngày càng khẳng định vai trò, vị trí, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của địa phương.

Công nghiệp góp phần giải quyết việc làm cho hơn 154.000 lao động trên địa bàn

Huyện chú trọng triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển mối quan hệ đối tác đầu tư, thương mại, dịch vụ; tập trung cả hệ thống chính trị hỗ trợ các DN trong công tác giải phóng mặt bằng. Huyện đề nghị tỉnh đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường giao thông kết nối với các khu, cụm công nghiệp (CCN); tham gia phối hợp các ngành tạo sự đột phá trong thu hút đầu tư; đề xuất UBND tỉnh có những điều chỉnh mạnh mẽ theo hướng lành mạnh hóa môi trường đầu tư.

Diện tích đất công nghiệp được phê duyệt quy hoạch gần 6.200ha, gồm có 13 KCN và 20 CCN. Trong đó, 13 KCN có tổng diện tích gần 5.200ha, 6 KCN đã đi vào hoạt động với diện tích hơn 2.000ha, 978 DN, tỷ lệ lấp đầy trung bình 41,76%. 20 CCN với tổng diện tích gần 1.000ha, có 10 cụm đi vào hoạt động với diện tích 595ha, 540 DN, tỷ lệ lấp đầy trung bình 90,92%. Hiện nay, ngoài K,CCN có khoảng 3.440 DN.

Mặc dù có sự đóng góp quan trọng nhưng hiện nay, phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định. Để tháo gỡ vấn đề này, huyện đề ra phương hướng tập trung giữ vững và nâng cao tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm; tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng phát triển công nghiệp; quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nằm ngoài K,CCN bảo đảm hoạt động đúng ngành nghề được cho phép và vệ sinh môi trường. Lãnh đạo công tác đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển KT – XH trên địa bàn huyện; triển khai công tác xây dựng cơ bản hàng năm đúng theo thủ tục, tiến độ, bảo đảm chất lượng, trong đó, ưu tiên bố trí vốn cho công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, các công trình thuộc chương trình đột phá,…

Song song đó, huyện đưa ra định hướng phát triển của địa phương từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 về lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất của các DN trong các K,CCN hiện trạng; thúc đẩy việc hoàn tất hạ tầng các K,CCN đang chậm tiến độ đầu tư; xúc tiến kêu gọi các DN trong và ngoài nước đầu tư trong mối liên kết với các KCN của tỉnh, gắn vào hệ thống KCN tập trung của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là TP.HCM.

Huyện tạo điều kiện liên kết phát triển giữa các K,CCN trong chuỗi phát triển công nghiệp, tiến đến hình thành các lĩnh vực chuyên hoặc chủ đạo cho từng K,CCN. Đồng thời, huyện tập trung chỉnh trang, sửa chữa và xây dựng mới các công trình công cộng và dân dụng, chủ yếu là các cơ sở công quyền, khu tái định cư, cụm, tuyến dân cư, xây dựng nhà ở trong dân, các công trình phúc lợi công cộng, đặc biệt là xây dựng hạ tầng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh cho K,CCN, khu đô thị mới, các khu dân cư vệ tinh – hậu cần công nghiệp – dịch vụ, các trung tâm và khu thương mại – dịch vụ./.